Translate

Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

1.TỰ ĐỘNG TỪ VÀ THA ĐỘNG TỪ

ĐIỂM KHÓ TRONG VĂN PHẠM NHẬT NGỮ SƠ CẤP


1 自動詞と他動詞
TỰ ĐỘNG TỪ VÀ THA ĐỘNG TỪ

. Phân loại và cách dùng tự động từ và tha động từ 

  Để hiểu được cách sử dụng của 「~ている」「~てある」「~ておく」 cần phải hiểu được thế nào là tự động từ và tha động từ. Trước hết ta hãy bắt đầu từ đó.

★ Mẫu câu căn bản

  Câu dùng tha động từ :
(人)が (対象)を ~する  (Người) が (đối tượng)を ~làm
  Câu dùng tự động từ :
(人・物)が ~する (Người/vật)が ~làm

★ Phân biệt cách dùng căn bản của tự động từ và tha động từ :

  Với cùng một hiện tượng, để ý đến người thực hiện động tác hay để ý đến đối tượng bị tác động sẽ hình thành 2 cách nói khác nhau. Khi có tự động từ và tha động từ đối nhau thì quy tắc lớn nhất là nếu để ý đến người thực hiện động tác ta sử dụng tha động từ, còn nếu để ý đến đối tượng bị tác động ta sử dụng tự động từ (giống như thể bị động). Ví dụ phân biệt cách sử dụng như dưới đây.

   危ない!上から瓶が落ちて(自V)きた。誰が瓶を落とした(他V)んだろう。

   Nguy hiểm! Cái bình rớt (tự động từ) từ trên xuống kìa. Ai làm rớt (tha động từ) cái bình vậy nhỉ.
   部屋が暗いので、わたしは電気をつけた(他V)。しかし、電気がつかなかった(自V)。

   Vì phòng tối quá nên tôi bật (tha động từ) đèn lên. Nhưng mà đèn không sáng (tự động từ).
   窓を閉めよう(他V)としたが、窓が閉まらなかった(自V)。

   Tôi định đóng (tha động từ) cửa sổ lại, nhưng cửa sổ không khép (tự động từ) lại.

Nói một cách dễ hiểu, khi nhìn vào động tác người ta sử dụng tha động từ, khi nhìn vào vật và nói đến vật hay hiện tượng đó thì sử dụng tự động từ. Tuy nhiên ở đây cũng cần phải chú ý đến sự khác biệt về văn hóa, lấy ví dụ khi câu cá, người Nhật sử dụng tự động từ và nói là : “ Cá mắc câu rồi” 「魚が釣れた」, người Trung Quốc lại sử dụng tha động từ và nói “ Câu được cá rồi”  「魚を釣った」. Hoặc là, người Nhật nói “ Trà đã châm rồi, mời dùng” 「お茶が入りました。どうぞ」, thì người Trung Quốc lại nói “ Châm trà rồi, mời dùng (Đáo trà)” 「お茶を入れました(倒茶)。どうぞ」. Đây chính là do sự khác biệt về văn hóa, tiếng Trung Quốc thì xem trọng hành vi hay ý muốn con người, trong khi người Nhật thì nếu sử dụng tha động từ sẽ biểu thị ý hướng của con người nói, tạo cảm giác có tác động của con người vì vậy mà họ tránh sử dụng tha động từ. Có lẽ sự khác biệt văn hóa này cũng chính là nguyên nhân khiến cho người Trung Quốc cảm thấy khó phân biệt cách dùng tha động từ và tự động từ trong tiếng Nhật.

★ 3 loại động từ

  Để phân biệt cách dùng 「~ている」「~てある」「~ておく」 một cách rõ ràng thì cần phải phân động từ thành 3 loại : tha động từ, tự động từ (với chủ ngữ là người) và tự động từ (với chủ ngữ là vật). Động từ với chủ ngữ là con người vì còn biểu hiện thêm ý hướng nên với tha động từ hay tự động từ như (走る/歩く/泣く/寝る…) thì ở cuối câu có thể sử dụng các dạng 「~たい・~つもりだ・~なければならない」hay thể ý chí (「~(よ)う」), nhưng không thể sử dụng với các tự động từ có chủ ngữ là vật như (降る/開く/落ちる/つく…). Tóm lại, có thể hiểu những tha động từ và tự động từ biểu thị động tác của con người là những động từ tiếp tục bao hàm ý thức bên trong, tự động từ là những động từ biểu thị trạng thái của vật một cách vô ý chí (phần lớn là động từ tức thời). Thêm vào đó, hầu hết các tự động từ là tự động từ có chủ ngữ là vật. Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ, những tha động từ có chủ ngữ là người như 「~を吐く・(下痢・咳)をする・~を感じる~を嘆く・~を嫌う」 dù là động từ biểu hiện tình cảm hay sinh lí, không hề có biểu hiện của ý chí nhưng nếu xét về mặt ý nghĩa thì đúng là tha động từ.

  私は この時計を 買いたいです。 <他動詞>買うつもりです。

   Tôi muốn mua cái đồng hồ này. (Tha động từ) Dự định mua.
  私は 寝たいです。<自動詞> 寝るつもりです。
   Tôi muốn ngủ. (Tự động từ) Dự định ngủ.
  雨が 降りたいです。(×)  <自動詞> 降るつもりです。(×)
   Mưa muốn rơi. (Sai) (Tự động từ) Dự định rơi. (Sai)

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

ĐIỂM KHÓ TRONG VĂN PHẠM NHẬT NGỮ SƠ CẤP


Hôm nay có chút thời gian lục lại mấy cái tài liệu tiếng Nhật cũ, thấy tài liệu này hay và thực sự bổ ích cho người đang học tiếng Nhật, dù đang ở trình độ nào nên mạn phép đưa lên để chia sẻ với mọi người. Đây là một tài liệu được chia sẻ trên trang 日本語駆け込み寺 , một trang web rất hay của 1 giáo viên tiếng Nhật, người Nhật có nhiều năm giảng dạy tiếng Nhật ở nước ngoài chia sẻ.Hy vọng tài liệu này sẽ giúp ích được cho người đang dạy, học và sử dụng tiếng Nhật.
ĐIỂM KHÓ TRONG VĂN PHẠM NHẬT NGỮ SƠ CẤP
初級文型の難所
Trong văn phạm Nhật ngữ sơ cấp có nhiều điểm rất khó phân biệt khi sử dụng. Tài liệu này chọn và đưa ra những điểm tiêu biểu nhất. Con đường nhanh nhất, dễ hiểu nhất là sắp xếp thành nhóm theo tính năng sử dụng. Đặc biệt là các mục từ 1 đến 5 là thường được người học thắc mắc nhiều nhất ở cách sử dụng. Những cách sử dụng đó đều được tóm tắt trong các bảng để dễ tham khảo. Thêm vào đó, tuy tài liệu này chủ yếu hướng đến đối tượng đã học xong sơ cấp, nhưng với những người chuẩn bị lên trung cấp thì xem qua tài liệu này không phải là vô ích. Bởi vì văn phạm trung cấp cũng được xây dựng trên nền tảng của văn phạm sơ cấp. Tức là nếu xem văn phạm sơ cấp là thân cây thì văn phạm trung cấp chính là những nhánh được sinh ra từ thân cây đó. Những điểm thường bị bỏ qua, tránh nhắc đến trong văn phạm Nhật ngữ cơ bản đã được tổng hợp và trình bày trong tài liệu này. Thêm vào đó còn có tài liệu bổ sung về「よく使われる口語文型」(cấu trúc khẩu ngữ thường dùng), cho nên trong phần hội thoại hay câu ví dụ nếu nghĩ là 「あれっ?」 (ủa?) thì hãy xem phần 「よく使われる口語文型」 này.
  1  自動詞と他動詞
  2  ~ている/~てある/~ておく(アスペクト)
  3  ~そうだ/~ようだ/~らしい(感覚推量)
  4  感情表現と「~がる」
  5  ~から/~ので/~て(原因・理由)
  6  ~と/~ば/~たら/~なら(条件)
  7  ~てあげる/~てもらう/~てくれる(受給)

Các bài đã đăng :

Điểm khó trong văn phạm Nhật ngữ sơ cấp (bài giới thiệu)
1. Tự động từ và tha động từ
2 ~ている/~てある/~ておく (1)
2 ~ている/~てある/~ておく (2)
2 ~ている/~てある/~ておく (3) 

3 ~そうだ/~ようだ/~らしい (1
3 ~そうだ/~ようだ/~らしい (2)
3 ~そうだ/~ようだ/~らしい (3)
3 ~そうだ/~ようだ/~らしい (4)
3 ~そうだ/~ようだ/~らしい (5)  

______________________________________________________________________ 
Source : http://www.nihongo2.com/ 
(Source này mình check lại gần đây có vấn đề, sẽ kiểm tra lại rồi cập nhật sau 8/2017)

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2010

Màng màng tím


Màng màng tím
Originally uploaded by akebonobeya
Hoa dại bé tí ti. Vừa may có topic bên saigonphoto giới thiệu hoa này của bác H_Le, chuyên gia về hoa cỏ, cả bên vnphoto. Càng may hơn nữa khi bụi hoa này trong chậu tường vi đang kì khoe sắc, thế là... Màu tím hay hay.

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2010

Tui là người BIÊN HÒA

Tui là người BIÊN HÒA

Người BIÊN HÒA cũng như người Hà Nội hay người Sài Gòn cũng có những người tốt, người xấu, chuyện hay, chuyện dở. Nhưng dù tốt xấu hay dở thì đó cũng là người BIÊN HÒA.

Trước hết, người BIÊN HÒA không xưng “tui”, hầu hết chỉ nghe người BIÊN HÒA xưng em (vì nhỏ tuổi hơn, hoặc vì là con gái), hay xưng mình (với người ngang hàng). Người BIÊN HÒA nói giọng Bắc pha Nam, nghe hơi cứng rất đặc trưng. (Chắc do nước sông Đồng Nai)

Ăn chơi

Người BIÊN HÒA ăn chả lụi. Ai đến BIÊN HÒA mà chưa ăn chả lụi thì chưa biết BIÊN HÒA, cứ sang miệt Bửu Long sẽ thấy chả lụi bán đầy 2 bên đường. Năm 2009 là 9000đ/phần, năm nay đang là 10000đ/phần, sang năm 2011 chắc sẽ là 11000đ/phần.

Người BIÊN HÒA ăn lẩu tôm Năm Ri, lẩu bò Năm Cảnh và lẩu cá kèo Thanh Mai.

Người BIÊN HÒA ăn hột vịt lộn Thu Hà, gần công viên Biên Hùng.

Người BIÊN HÒA uống cà phê Cội Nguồn và hàng loạt quán bờ sông (sông Đồng Nai).

Người BIÊN HÒA khoái đi siêu thị BigC, có rất đông người đi Coop Mart và có không nhiều người vô Metro.

Người BIÊN HÒA giữ thói quen đi chơi vào cuối tuần. Bình thường đường vắng xe là vậy nhưng đến tối thứ Sáu thì các ngả đường trung tâm lúc nào cũng đông nghẹt người.

Xe cộ và các thứ khác

Người BIÊN HÒA không hay bị kẹt xe cho nên toàn chạy giữa đường, với tốc độ tương đương xe đạp điện. Chính vì vậy nên khả năng xử lí khi xe đông ở ngã tư không đèn cũng kém. Nhiều khi kẹt xe chỉ vì nhường nhau không dám chạy.

Người BIÊN HÒA ít dùng đèn xi nhan, cứ thế mà tấp vô lề (phải) thôi. Còn khi qua đường thì cũng có chút khác biệt, không ra hiệu sang đường mà phải trải qua các bước sau : bước 1- tấp vào lề phải; bước 2 – nhìn trước nhìn sau (là nhìn thôi, chứ có xe vẫn qua như thường L); bước 3 - chạy qua đường vuông góc với hướng xe chạy thẳng.

Người BIÊN HÒA khoái chạy xe tay ga, đời cũ thì có Attila (nữ), Nouvo (cả nam lẫn nữ), đời mới thì có SCR hay LEAD (nữ), Air Blade (nam). Ngoài xe tay ga đặc biệt dân BIÊN HÒA rất khoái chạy Max của Kawasaki.

Người BIÊN HÒA, có rất nhiều người đi xe hơi. Không tin cứ ra khu ăn sáng đường 4 buổi sáng và khu ăn nhậu, cà phê đường 5 nối dài buổi tối sẽ thấy.

Người BIÊN HÒA lái xe hơi như người ta lái xe 2 bánh. Quay đầu bất kì chỗ nào có thể, từ xe 4 chỗ, 7 chỗ, xe du lịch cho đến xe buýt, xe khách. Đang chạy phía sau mà thấy xe lạng vào lề phải, ấy là tránh 1 bác đang không dám qua đường. Đang chạy mà nghe tiếng còi xe 4 bánh bóp liên tục ấy là taxi đang ở phía sau, nên nhường đường nếu không muốn điên cái đầu.

Người BIÊN HÒA lập tức xin lỗi khi có va quẹt hay va chạm giao thông. Đây là điều mà ở Sài Gòn văn minh và Hà Nội thanh lịch, dù có rọi đèn pha cũng không tìm được.

Người BIÊN HÒA thực ra không phải là người BIÊN HÒA. Thử để ý vào giờ cao điểm, nhìn xung quanh 10 chiếc xe máy thì có đến 8 chiếc là bảng số tỉnh thành khác.

Sau hết, tui không phải là người Biên Hòa chính gốc. Nhưng với những trải nghiệm trên, tui cũng tự hào mình là Người Biên Hòa.

Và còn nhiều điều nữa về người Biên Hòa, ai biết thì góp vô.